Interferon (IFN) được Issaacs & Lindenmann (1957) phát hiện khi tiêm vi rút cúm vô họat vào màng niệu mô của phôi gà, là một nhóm các protein được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng.

IFN không chỉ hình thành khi tế bào nhiễm vi rút, mà còn được tạo thành khi tế bào bị kích thích bởi một số chất lạ như: acid nucleic, vi khuẩn, độc tố của vi khuẩn, nguyên sinh động vật..vv. Có hai typ IFN là IFN typ I và typ II. Trong khi IFN typ I bao gồm IFNα (gồm nhiều nhóm), IFNβ, IFN và IFNε, thì IFN typ II chỉ duy nhất có một là IFNγ. IFN α/β được sản sinh bởi nhiều loại tế bào lympho T, B, đại thực bào, nguyên bào xơ và các lọai tế bào khác, trong khi IFNγ do tế bào T và tế bào NK sản sinh. Phản ứng của IFN đối với nhiễm khuẩn rất nhanh và là hàng rào đầu tiên bảo vệ cơ thể chống lại nhiều tác nhân gây bệnh. Cơ chế họat động của IFN tự nhiên hay khi được đưa vào cơ thể với mục đích phòng hoặc điều trị đều giống nhau là kích thích hệ miễn dịch.

Tất cả IFN α/β có cùng điểm nhận trên tế bào và giống nhau về hình thức họat động đối với tế bào đích và sản phẩm hình thành do IFN kích hoạt sẽ làm tăng quá trình trình diện kháng nguyên bởi các tế bào và họat động chống lại sự nhân lên của vi rút trong tế bào. Hoạt động của IFNα không có tính đặc hiệu đối với loài. IFNα có nguồn gốc từ người có thể họat động trên tế bào của động vật và ngược lại. Ví dụ IFNα nguốc gốc từ bò có thể họat động trên tế bào xơ cấp của heo và người, IFNα của heo có thể họat động trên tế bào ngựa, bò và người. Nhìn chung IFN có một số họat tính như: Kháng virus, điều hòa miễn dịch, chống tăng sinh, kích thích sự biệt hóa tế bào..vv. Hoạt động kháng vi rút của IFN đã được chứng minh khi nghiên cứu với vi rút encephalomyocarditis, vi rút đậu, vi rút LMLM, vi rút PRRS, vi rút TGE, Gumboro, Newcastle, Influenza…vv và IFN cũng được xem như là một chất bổ trợ miễn dịch khi sử dụng kết hợp với vác xin LMLM và vác xin cúm gia cầm. Sự tương tác của IFN trong xoang miệng là cơ sở cho việc áp dụng sử dụng IFN bằng đường cho uống. Người ta thấy rằng, ở người và động vật khi các tác nhân vi rút, chlamydia, mycoplasma xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi và miệng, IFN sẽ được sản xuất trong các dịch tiết của mũi, hầu, và từ đó kích hoạt phản ứng miễn dịch của toàn cơ thể, mặc dù không phát hiện được IFN ở trong máu động vật. Việc đưa IFN vào cơ thể bằng phương pháp cho uống có hiệu quả tốt trên động vật và người, cũng giống như khi đưa IFN vào cơ thể bằng đường tiêm, thông qua đường miệng IFN cho kết quả an toàn, nhưng dễ dàng sử dụng hơn.

Theo qui định của Bộ Nông Nghiệp Nhật Bản, IFNα được dùng để trị bệnh do rotavirus ở bê dưới 30 ngày tuổi theo đường uống, với liều 0,5 U/kg, một lần/ngày cho 5 ngày liên tục. Hiện nay IFN đã được ứng dụng rộng rãi để điều trị bệnh cho người và động vật. Ở người, IFN dùng để điều trị bệnh viêm gan siêu vi C, B, bệnh mụn cóc ở cơ quan sinh dục, ung thư, bệnh tự miễn dịch...vv. Đối với gia súc, dùng IFNα trong việc phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm là một giải pháp an toàn-hiệu quả. IFN rất có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp thể mãn tính hoặc cấp tính khi kết hợp với kháng sinh, đặc biệt trường hợp bệnh gây ra do vi rút như LMLM, PRRS, cúm heo nhưng có phụ nhiễm vi khuẩn (streptococcus suis, haemophilus parasuis, actinobacillus pleuropneumoniae, pasteurella multocida, mycoplasma ..vv) việc dùng IFN kết hợp với kháng sinh đem lại hiệu quả cao trong phòng và trị bệnh.

Hiệu quả dùng IFN để phòng và trị cho gia súc thể hiện ở các mặt: Giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chết, rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế bài thải mầm bệnh, giảm lây nhiễm bệnh và giảm thiệt hại kinh tế, nâng cao hiêu quả chăn nuôi. Một số bệnh đường hô hấp và tiêu hóa sử dụng IFN kết hợp với kháng sinh cũng đem lại hiệu quả tốt, hạn chế được hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Như vậy để nâng cao được hiệu quả điều trị các bệnh truyền nhiễm thể mãn tính hay đối phó với các bệnh truyền nhiễm chưa có vác xin phòng bệnh hoặc vác xin có hiệu quả phòng bệnh chưa cao, thì việc dùng IFN để phòng và hỗ trợ trong điều trị bệnh cho gia súc có thể là một giải pháp cần được xem xét lựa chọn.

Nguồn: [You must be registered and logged in to see this link.]