Lúc bé, ai cũng tin vào ông già Noel. Mình tin, và bạn cũng tin.


Ông già Noel miền cổ tích Quanoen.jpga


Mẹ bảo chỉ những đứa trẻ ngoan mới có quà. Và mình đã trả lại chiếc kẹp nơ cho một đứa bạn mẫu giáo để quên trong ngăn bàn mặc dù mình rất thích nó, nhưng vì nghĩ mình cũng sẽ buồn biết mấy nếu như thất lạc mất món đồ mình yêu quý. Mình cố gắng trở thành đứa trẻ ngoan bằng tất cả những việc lặt vặt ở trường mẫu giáo như ăn nhanh nhất, không khóc nhè hay phụ các cô bảo mẫu xếp ghế sau buổi sinh hoạt. Tất cả đem về kể với mẹ để mẹ bảo ông Noel…cộng điểm cho như lời mẹ nói. Những điều tốt đẹp đó để đánh đổi những món quà như mong ước.

Và đến một lần, chẳng may làm đổ cả lọ mực vào chiếc áo mới, mình suy nghĩ về một điểm trừ do chưa ngoan, và bịa ra câu chuyện về đứa bạn vụng về nào đó ở trường đã lỡ tay làm bẩn áo. Mẹ không nói gì, chỉ lặng lẽ đem chiếc áo đi ngâm. Nhưng vết mực cứ nhờ nhờ hiện ra, hệt như một lời nói dối ám ảnh trong tâm trí chẳng thể nào rũ sạch. Suốt một tuần, mình nghĩ về con búp bê biết nói và một vết mực. Chẳng ai biết, ngoài mình. Nhưng cuối cùng, để thanh thản, mình đến gặp mẹ và thú tội. Mẹ biết rồi, và hỏi liệu mình có muốn mẹ kể chuyện này với ông Noel không hay là hai mẹ con mình cứ im lặng thì ông cũng chẳng thể biết? Và mình đã chấp nhận gật đầu, dù sao thì một con búp bê biết nói vẫn có thể nhận vào năm sau, nhưng một lời nói dối sẽ còn ở lại mãi. Mẹ chỉ cười.

Sáng ngày Gíang Sinh, món quà vẫn đúng là con búp bê biết nói, cùng một lời dặn dò mà mất cả buổi đánh vần mình mới đọc xong “Một đứa trẻ đã biết nói dối để đạt được điều mình muốn, thì khi lớn sẽ trở thành một- người- lớn- nói- dối. Sự trung thực, dù là không tốt đẹp, vẫn xứng đáng để có những món quà!”


Niềm tin đó, bắt đầu từ huyền thoại, và định hướng cho những điều tốt đẹp được truyền đi.

Dẫu bây giờ, những việc tốt không còn để đổi thành những giá trị vật chất kiểu như một con búp bê hay cái áo đầm mới, thì vẫn được đổi lấy những giá trị tinh thần vô giá. Đó là sự trung thực, lòng nhân ái và một cách sống tử tế đàng hoàng với mọi người xung quanh. Chẳng có ông gìa Noel nào ban tặng, mà là chính bạn thưởng cho bản thân mình.

Hẳn bạn nhớ sự tiếc nuối khi phát hiện ra ông già Noel chẳng có thật mà chỉ là truyền thuyết, hệt như vừa đánh rơi mất niềm tin lẫn tuổi thơ mà chẳng thể nào nhặt lại. Bạn ngẩn ngơ như vừa lạc mất đi một miền ký ức bé dại nào đó mà tìm mãi cũng không thể quay về. Nhưng bạn ạ, ai rồi cũng phải lớn lên, và con người phải chấp nhận đến một độ tuổi mình phải bước ra khỏi cổ tích để đến cùng hiện thực, như con gà con phải mổ vỡ vỏ trứng mà chui ra vậy. Hiện thực, không như cổ tích, nhưng vẫn đẹp theo một cách khác.

Và khi không còn tin vào ông Noel nữa, tại sao không trở thành một ông Noel như là một đại sứ truyền đi những điều thiện và giấc mơ cổ tích? (Vì vậy cứ đến Giáng sinh, chúng ta lại thấy rất rất nhiều "ông, bà" già Noel đi phân phát niềm vui cho tuổi thơ....)

Dù cuộc sống có bận rộn, tấp nập, thời gian có guồng quay nhanh như thế nào, thì vẫn còn những góc nhỏ trong tâm hồn để dành cho cổ tích, và cho ông già Noel ,phải không?