Lưu ý trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009

TT - Chỉ còn hơn hai tuần nữa, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các sĩ tử cần chuẩn bị, lưu ý những gì trước kỳ thI? :lol!:
Theo quy chế, khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài, thí sinh đến muộn sẽ không được dự thi. Theo ông Nguyễn Văn Nam - chánh thanh tra Sở GD-ĐT TP.HCM, các hội đồng thi không giải quyết bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào đến muộn. Năm nay bộ sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp lần hai, do vậy thí sinh phải đặc biệt lưu ý giờ thi, không được đến trễ.

Điều lưu ý quan trọng nữa đang được các trường nhấn mạnh với thí sinh là tuyệt đối không mang điện thoại di động vào trường thi. Lời dặn dò tưởng như chuyện biết rồi nói mãi nhưng năm nào cũng có những HS đánh mất cơ hội sở hữu mảnh bằng tốt nghiệp của mình vì lỡ mang theo điện thoại.
Vào phòng thi, chuẩn bị gì?

Theo quy chế thi tốt nghiệp 2009, thí sinh được mang vào phòng thi những vật dụng liên quan đến việc làm bài thi, gồm bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì (gôm), compa, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, atlat địa lý Việt Nam do NXB Giáo Dục ấn hành (đối với môn địa lý). Thí sinh không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì trên atlat cũng như không được mang vào phòng thi các phương tiện thu phát thông tin. Các vật dụng, tài liệu không liên quan đến bài thi không được quy định dù chưa sử dụng cũng sẽ bị đình chỉ thi.

Để tạo thuận lợi cho sĩ tử, vào giờ thi các môn trắc nghiệm, nhiều hội đồng thi cho phép thí sinh mang dụng cụ gọt bút chì vào phòng thi. Nhưng theo bà Lê Thị Kim Thu - phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), tốt nhất thí sinh nên chuẩn bị 2-3 cây bút chì cùng loại. Bút chì làm bài thi tốt nghiệp loại 2B đến 4B, bút chì quá cứng, thí sinh mất nhiều thời gian tô nhưng nếu quá mềm, dễ gãy. Bút bi xanh cũng cần chuẩn bị nhiều cây cùng loại, không mang và tuyệt đối không sử dụng bút xóa khi làm bài.

Thầy giáo Lê Thanh Tùng, tổ trưởng tổ Anh văn Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nhắn nhủ: vào phòng thi, thiếu bất cứ vật dụng nào cũng gây lo âu, hoang mang, ảnh hưởng chất lượng bài làm. Do vậy thí sinh cần chuẩn bị sẵn những vật dụng, giấy tờ cần mang theo vào phòng thi, tất cả phải được xếp đầy đủ vào một chỗ, sẵn sàng trước hôm thi và luôn nhớ mang theo vào trường thi. Quan trọng nhất là không được quên giấy báo thi - vật bất ly thân trong ba ngày thi.

Tránh mất điểm oan uổng

Để tránh mất điểm vì phạm quy, thí sinh phải tuân thủ những hướng dẫn trong quy chế thi tốt nghiệp THPT 2009: “Khi nhận đề phải kiểm kỹ số lượng trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện đề thi thiếu trang, nhòe, mờ, rách… phải báo ngay với giám thị chậm nhất 15 phút sau khi phát đề… Không được làm bài bằng bút chì (ngoại trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên phiếu làm bài thi trắc nghiệm), chỉ được viết bằng một thứ mực, không được dùng mực đỏ. Phần viết hỏng phải dùng thước gạch chéo, không được tẩy xóa bằng bất kỳ cách gì”.

Đề thi tốt nghiệp sẽ có hai phần: phần chung dành cho tất cả thí sinh và phần tự chọn có phần đề riêng cho học sinh học sách giáo khoa chương trình chuẩn và học sinh học sách nâng cao. Thí sinh chỉ được làm một trong hai đề riêng ở phần tự chọn, nếu làm cả hai phần hoặc mỗi phần một số câu đều bị xem là phạm quy và không được tính điểm phần đề riêng.

Đây là điểm lưu ý quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng kỳ thi nào cũng có thí sinh mất điểm vì lỗi này. Ông Trần Trung Kiên, hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM), khuyên: thí sinh nên xác định hẳn phần đề mình sẽ chọn trước khi vào phòng thi, không nên mất thời gian đọc, suy tính cả hai phần đề rồi mới làm. Như vậy sẽ lãng phí thời gian và rối trí khi làm bài, đồng thời dễ mắc lỗi phạm quy vì làm lẫn lộn hai phần đề tự chọn.

Với đề thi trắc nghiệm, thí sinh đừng để mất quá nhiều thời gian nghiền ngẫm những câu quá khó đối với mình, có thể bỏ qua các câu khó để giải quyết những câu khác dễ chịu hơn rồi sẽ quay lại làm sau. Đó là lời khuyên của nhiều giáo viên các môn thi trắc nghiệm. Còn theo ông Nguyễn Văn Ngai - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, với đề thi trắc nghiệm, thí sinh nên cố gắng làm hết tất cả các câu hỏi, đó là cách có thể đạt điểm cao nhất. Làm bài trắc nghiệm xong, thí sinh đọc lại bài xem mình có tô nhầm cả hai phần tự chọn không. Nếu lỡ làm hai phần nên mạnh dạn gạch chéo để không phạm quy.

Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT tại TP.HCM vừa qua vẫn có thí sinh bộc lộ nhiều sơ suất dễ mất điểm khi làm bài. Có nhiều trường hợp thí sinh tô sai số báo danh, mã đề khi làm bài thi trắc nghiệm. Nhiều học sinh giỏi nhưng điểm thi rất kém do khi làm bài thí sinh tô bút chì quá đậm, khi cần chọn phương án trả lời khác xóa đi không sạch, vết tô cũ vẫn còn mờ mờ, máy tính không chấm những câu có hai phương án trả lời, thành ra mất điểm oan uổng! Do vậy, theo cô Thu, ở bài thi trắc nghiệm, khi cần xóa vết tô sai phải xóa thật sạch. Không nên tô quá mờ (máy không nhận thấy) nhưng cũng không nên chọn loại bút chì quá mềm, không tô quá đậm, dễ mất điểm. :study:

Code: