(Khoa học Phổ Thông, 17/10/2010)

Ông đang sở hữu đàn cá basa hiếm có, những chú cá khổng lồ nặng hàng chục ký. Trong lúc mọi người nuôi cá tra đại trà thì ông lặn lội đi tìm hiểu, nghiên cứu cách sinh sản một loài cá quý bị lãng quên.

Ông Hai Chánh, tức Tống Minh Chánh, ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Hòa, Phú Tân (An Giang), từ nhỏ đã “mê” loài cá ba sa nổi tiếng. Tốt nghiệp ngành thủy sản Đại học Cần Thơ, ông về quê nhà phụ giúp cha mẹ nuôi cá và nghiên cứu, từ cách xử lý nguồn nước, chống dịch bệnh đến cho cá ăn. Những năm 1990, con giống khan hiếm, chỉ có thể mua từ những người đánh bắt trong thiên nhiên, ông Chánh chạy đôn chạy đáo đi tìm sự trợ giúp từ các bạn thời học đại học, các nhà khoa học ở Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh, ông cũng học hỏi kinh nghiệm từ các lão ngư dân. Đằng đẵng ngót 10 năm, cặp cá ba sa đầu tiên được ươm thành công. Từ thành công đó, ông quyết tâm đầu tư và hiện đã có đàn cá giống gần 500 con, nhiều con nặng từ 30 - 35 kg, lớn nhất từ trước đến nay.

Từ lúc con cá tra ngự trị trong nghề nuôi cá da trơn, cá ba sa dần bị bỏ quên. Nhiều lúc người ta lẫn lộn giữa cá tra và cá ba sa. Đầu năm 2007, ông cùng các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ và Đại học thủy sản Nha Trang nghiên cứu sâu hơn về nuôi và lai tạo giống cá ba sa. Cùng lúc, Hai Chánh dốc nguồn vốn gia đình, đầu tư nâng số bè cá gia đình từ 3 lên 18 bè, phần lớn để nuôi cá bố mẹ vùng ươm.

Hiện nay ông Chánh cung cấp cho thị trường khoảng 3 triệu con giống mỗi năm, chiếm 70% thị trường cá giống ba sa cả nước, và đủ khả năng cung cấp đến 200 triệu cá giống. Khi con cá tra lao đao thì người nuôi bắt đầu quay lại với nghề nuôi cá ba sa. Ông làm hệ thống bè ươm hiện đại, với trên 60 lồng ươm theo công nghệ mới của Pháp nhằm tạo nguồn giống sạch, ổn định và hạ giá thành. Ông cũng đang tiến hành phát triển nuôi cá ba sa trên ao hầm theo công nghệ mới. LÊ HOÀNG VŨ