Phóng viên Kerry Staight của đài truyền hình ABC (Australia) cho biết trong khi nguồn hải sâm hoang dã ở các vùng biển của Việt Nam đang dần cạn kiệt do tình trạng khai thác quá mức, thì nghề nuôi hải sâm lại đang bắt đầu "cất cánh".
Ở Việt Nam, hiện ngày càng có nhiều ao hồ nuôi tôm bị bỏ hoang do chất thải từ loài giáp xác này tích tụ qua năm tháng, trở nên độc hại và gây bệnh cho tôm. Trong bối cảnh đó thì loài hải sâm đang mang lại hy vọng cho những chủ trang trại nuôi tôm ở miền Trung.
Nhà khoa học Australia, tiến sĩ Dave Mills, hiện đang làm việc cho WorldFish Centre, một cơ quan khoa học quốc tế có mục đích giảm thiểu tình trạng đói nghèo trên thế giới, cho rằng hải sâm có thể giúp làm sạch những ao hồ nuôi tôm bị ô nhiễm này.
Tiến sĩ Mills cho biết loài hải sâm có khả năng ăn các vật liệu hữu cơ lắng đọng trong lớp bùn dưới đáy ao, do đó rất có lợi cho việc làm sạch ao hồ. Các chủ trại nuôi tôm chỉ cần thả hải sâm vào ao và họ không cần phải cho ăn.
Sau một thập kỷ nghiên cứu, một trung tâm gây giống ở phía Bắc thành phố Nha Trang, thuộc sở hữu của Chính phủ Việt Nam, đang sản xuất những con giống hải sâm đáng tin cậy. Tiến sĩ Mills cho biết loài động vật di chuyển chậm chạp này, có thể bán với giá hơn 200 AUD/kg khi được sấy khô, hiện đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư thương mại.
Theo tiến sĩ Mills, mới chỉ có một số ít chủ trại nuôi tôm quan tâm đến việc nuôi hải sâm trong ao tôm và vào thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 15 người tại hai tỉnh ở miền Trung Việt Nam tham gia nuôi hải sâm. Một vài người trong số này đã nuôi hải sâm được 5 năm và rất thành công. Do đó, nhu cầu đối với hải sâm con để nuôi trong ao tôm hiện rất cao.
Tiến sĩ Mills và nhà nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam là Nguyễn Đinh Quang Duy hiện đang thử nghiệm liệu có thể tiến một bước xa hơn với việc nuôi đồng thời cả hải sâm và tôm.
Những thí nghiệm ban đầu khi nuôi hải sâm và tôm trong bồn cho thấy "cuộc hôn phối" này không hoàn toàn "hạnh phúc". Tiến sĩ Mills nói: "Điều mà chúng tôi phát hiện trong những cuộc nuôi thử nghiệm này là trên một quy mô rộng, khi tôm đạt kích cỡ lớn thì chúng bắt đầu tấn công hải sâm và tỷ lệ sống sót của loài động vật thân mềm này rất thấp cũng như tốc độ phát triển chậm".
Tuy nhiên, việc nuôi tôm với số lượng ít hơn trong các thử nghiệm mới, ông hy vọng cặp đôi "cọc cạch" này có thể cùng tồn tại./. Đoàn Hùng