Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song ngành thủy sản Việt Nam đã đi được ¾ chặng đường năm 2010 với những kết quả khả quan, đạt được kế hoạch đề ra trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, xuất khẩu thủy sản.


Nuôi trồng, khai thác tốc độ tăng trưởng khá

Tháng 9 là tháng bước vào thu hoạch chính về nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 9 ước đạt 234 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng lên 1.960 ngàn tấn, tăng 0,8% so với cùng kỳ và đạt 74% so với kế hoạch năm.

Hoạt động đầu tư, sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tiếp tục được quan tâm, tập trung vào các đối tượng và sản phẩm lợi thế. Tuy nhiên, do thời tiết đầu năm không thuận lợi và thiếu nước ngọt đã ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản. Năng suất và sản lượng một số vùng nuôi các tỉnh phía Bắc và miền Trung đạt thấp so với cùng kỳ, diện tích nuôi chuyên tôm sú giảm. Các chủ hộ nuôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, cá vược, cá song, cá bớp, nuôi ghép tôm sú với cá bống bớp, cua… những đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích nuôi cá tra 9 tháng đầu năm giảm (đạt 4.276ha, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2009) nhưng năng suất tăng (đạt 252 tấn/ha so với 220 tấn/ha năm 2009). Một số đối tượng nuôi mới được đưa vào nuôi nước ngọt như cá rô đồng, cua đồng, cá lăng chấm… Nghề nuôi nghêu, ngao tiếp tục phát triển, 9 tháng cả nước đã đưa hơn 492.000 ha diện tích mặt nước vào nuôi trồng thuỷ sản.

Khai thác thủy sản mặc dù bước vào mùa mưa bão trong những ngày cuối cùng của vụ cá Nam nhưng do công tác dự báo ngư trường tốt nên vẫn đạt được năng suất tốt. Việc khai thác lưới cản, giã cao tốc, lưới vây đều đạt sản lượng tương đối cao. Tại vùng biển Bắc Bộ đến Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng từ 3 cơn bão số 1, 2 và số 3, nên sản lượng đánh bắt thủy hải sản trong tháng 8 năm 2010 giảm so với tháng trước. Tại vùng biển miền Trung, từ Đà Nẵng trở vào đến Kiên Giang thời tiết biển trong tháng thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, cá cơm, và ruốc xuất hiện nhiều, sản lượng đánh bắt tăng so với tháng trước. Tháng 8 là tháng bước vào thu hoạch chính về nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 8/2010 ước đạt 295 ngàn tấn, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 8 tháng đầu năm lên 1.726 ngàn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Sang tháng 9, con sản lượng khai thác 9 tháng đầu năm đạt khoảng 1,8 triệu tấn.

Lạc quan về đích, Thủy Sản Việt Nam DCC_1288166300

Thu hoạch cá tra ở Cần Thơ Ảnh: Lê Hoàng Vũ


Xuất khẩu thủy sản đối mặt “sóng gió”

Xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đầu năm đạt 3,47 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2009, là nhóm có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu ngành nông nghiệp và đứng thứ 3 trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, chỉ sau dệt may và dầu thô.

Tuy đạt được những thành quả vượt mong đợi nhưng xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm cũng gặp phải không ít “sóng gió”. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, xung quanh diễn biến vụ kiện chống bán phá giá của DOC đối với cá tra Việt Nam, nếu phía Việt Nam không có những bước đi mạnh thì kết quả chung cuộc vào tháng 3 năm 2011 sẽ là bất lợi cho chúng ta. Hiện nay, VASEP kết hợp 3 kênh phản đối DOC thông qua các con đường chính trị, doanh nghiệp, các nghị sĩ, các nhà nhập khẩu ủng hộ cá tra Việt Nam, sử dụng các kênh truyền thông, báo chí, thương mại… Trong khi đó, Hiệp hội cá nheo Mỹ vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ hơn, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn trong “cuộc chiến” với DOC để giành lại công bằng cho cá tra Việt.

Cũng theo ông Nguyễn Hoài Nam, công tác xúc tiến thương mại đối với mặt hàng tôm ở thị trường Brazil cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 9/2010, Bộ Thủy sản và Nông nghiệp Brazin đã họp và đưa tôm Việt Nam vào chương trình đánh giá rủi ro, trong quá trình đánh giá thì dừng mọi hoạt động nhập khẩu mặt hàng này. Tới đây, dưới sự tài trợ kinh phí của các nhà nhập khẩu Brazil, sẽ có đoàn làm việc sang Việt Nam kết hợp cùng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam thực hiện chương trình truyền thông nhằm tạo phản ứng mạnh mẽ, tương thích, tránh hiệu ứng Domino sẽ gây bất lợi cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu tại các nước khu vực Mỹ Latinh.

Lạc quan về đích, Thủy Sản Việt Nam DCC_1288166318

Đánh bắt cá gần bờ tại Nam Định Ảnh: Huy Hùng

Tăng tốc và về đích

Tại cuộc họp giao ban Tổng cục Thủy sản tháng 9 năm 2010, Tổng cục trưởng Vũ Văn Tám đã kết luận: 9 tháng đầu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Còn ¼ chặng đường của năm 2010, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, Tổng cục tập trung vào công tác quy hoạch năm 2011. Các vấn đề “nóng” như dự án rùa tai đỏ, tàu cá, dịch bệnh đã kịp thời được xử lý trong thời gian vừa qua, cho thấy sự nỗ lực hoạt động và khả năng vào cuộc nhanh của ngành. Tiếp tục xử lý các vấn đề đặt ra trong sản xuất, thực hiện 5 việc liên quan do Bộ NN&PTNT giao Tổng cục Thủy sản: Hoàn thành thông tư về thú y thủy sản (giao cho Vụ Nuôi trồng thực hiện); Báo cáo 6 tháng hoạt động của Tổng cục sau ngày thành lập (giao Văn phòng thực hiện); Hoàn tất công tác cán bộ; Thúc đẩy nhanh thông tư liên tịch, chương trình kiểm soát giống và tôm thẻ, triển khai chiến lược phát triển thủy sản…


>> Các tỉnh có sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt cao trong 9 tháng đầu năm: Quảng Ninh (21.030 tấn); Hải Phòng (36.873 tấn); Nam Định (40.000 tấn);Thanh Hóa (21.320 tấn); Nghệ An (30.196 tấn); Kiên Giang (68.515 tấn); Sóc Trăng (71.292 tấn); Cà Mau (172.540 tấn); Hậu Giang (29.770 tấn, trong đó: cá tra 13.140 tấn); Đồng Tháp (243.671 tấn, trong đó cá tra: 209.215 tấn); Bến Tre (132.600 tấn, trong đó cá tra: 86.000 tấn); Cần Thơ (132.368 tấn, trong đó cá tra đạt 114.580 tấn).


Thu Hiền