Trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, các đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm thấp 21-250C, nhiệt độ trong ao nuôi giảm trung bình chỉ còn 18-200C. trong khi nhiệt độ thích hợp để tôm thẻ chân trắng phát triển là 23-30oC. Nhằm hạn chế tác động tiêu cực đối với sức khỏe tôm nuôi, người nuôi tôm cần lưu ý:
Chuẩn bị ao:
- Ao nuôi cải tạo khô, xịt rửa đáy sạch sẽ, phơi đáy 3-5 ngày để diệt trùng đáy ao.

- Không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi trong những ngày có gió mùa đông bắc. Nếu cần thiết phải lấy nước, đưa vào ao lắng trong 2-3 ngày để ổn định các yếu tố môi trường, sau đó mới cấp vào ao nuôi, khoảng 20-30% lượng nước trong ao.
- Tham khảo thông tin quan trắc môi trường về chất lượng nước đầu vào. Nguồn nước cung cấp từ nguồn nước biển, không bị ô nhiễm; Lấy nước vào ao qua lưới lọc, đạt mức 1,4-1,6m để hạn chế tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột.

Xử lý và gây màu nước:

- Xử lý nước: Có thể sử dụng một trong các loại sau: BKC, hợp chất của Iod, thuốc tím... Hạn chế sử dụng Clorine, ảnh hưởng xấu đến đáy ao và môi trường.

- Gây màu nước: Sử dụng phân NPK (loại 20-20-0), urê, đậu nành, cám gạo… kết hợp cấy vi sinh. Bổ sung thêm vôi Dolomite, vôi nông nghiệp để nâng độ kiềm và ổn định màu nước.

- Quạt nước để cung cấp oxy hòa tan cho ao nuôi, lưu ý vào thời điểm sáng sớm và khuya. Nước có màu xanh nâu, vàng nâu hoặc xanh lá chuối non là đạt chất lượng tốt. Chất lượng nước khi thả giống: Oxy hòa tan > 4mg/l; pH đạt 7,5; độ kiềm > 80mg CaCO3 /l.

Thả giống:

- Giống phải được sản xuất từ các trại sản xuất tôm giống đã công bố chất lượng, tôm bố mẹ được gia hoá và đảm bảo chất lượng con giống sạch bệnh. Tôm giống phải đạt cỡ Postlarvae12 và có chứng nhận kiểm dịch.

- Trước khi thả giống khoảng 30 phút, chạy máy quạt nước để tăng cường oxy hòa tan cho tôm giống.
- Ngâm bao tôm giống trong nước ao 15 phút để cân bằng nhiệt độ nước trong bao và ao nuôi khi thả, chọn thời điểm thả có nhiệt độ nước ấm nhất trong ngày, lúc 10-14 giờ.
- Mật độ thả con giống từ 80-100 con/m2 .

Chăm sóc và quản lý:

- Sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp với độ đạm 30-35%, chia làm 3-4 lần/ngày. Bổ sung thêm khoáng, men, vitamin C, E, dầu mực. Cho ăn 0,8-1 kg thức ăn/10 vạn post, sau đó tăng 0,2-0,3kg/2 ngày/10 vạn. Nếu thức ăn tự nhiên ít, có thể tăng lên 10-20%.

- Thường xuyên theo dõi các diễn biến màu nước, biến động của các chỉ số môi trường. Nâng cao mực nước đạt tối đa để ổn định nhiệt độ. Hạn chế tối đa những hoạt động có thể làm tôm bị "sốc" như bắt tôm kiểm tra, kéo lưới, diệt tạp...


Các sự cố thường gặp và phương pháp khắc phục :

* Đề phòng thiếu oxy do nguồn nước cấp
- Khi nhiệt độ nước thấp, nồng độ oxy hòa tan tăng, tuy nhiên các vi khuẩn (hiếu khí) tham gia vào quá trình oxy hóa sẽ hoạt động yếu. Do đó, quá trình khoáng hóa các chất hữu cơ xảy ra chậm, nghĩa là quá trình tự làm sạch của nước nguồn cũng chậm.
- Nếu lượng cặn lắng lớn và lượng oxy trong nước không đủ cho quá trình phân hủy hiếu khí thì oxy hoà tan của nước giảm mạnh. Lúc đó, quá trình phân giải yếm khí sẽ xảy ra và sản phẩm của nó là chất khí H2S, CO2, CH4… làm ô nhiễm nước.

* Hạn chế phân tầng nhiệt độ nước
Tôm thẻ chân trắng sẽ chết nếu nhiệt độ nước thấp hơn 15oC trong 24 giờ hoặc lâu hơn nữa. Tôm sẽ ngạt nếu nhiệt độ khoảng 15-22oC. Khác với tôm sú, tôm thẻ hoạt động các tầng nước, nên tác động của phân tầng nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, việc tăng máy quạt nước để pha trộn lớp nước trên mặt và đáy là điều cần thiết

* Đề phòng tảo đáy phát triển
- Tảo đáy phát triển cản trở hoạt động, cạnh tranh oxy với tôm, hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước làm cho tảo (màu nước) trong ao khó phát triển, gây biến động các yếu tố môi trường nước như pH, oxy... xác tảo sẽ phân hủy sinh ra khí độc, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi và có thể gây chết tôm.
- Để ngăn chặn được sự phát triển của rong đáy, cải tạo ao cần tuân thủ kỹ thuật, luôn giữ mực nước cao, gây màu để gây màu giúp tảo phát triển, độ trong khoảng 30-40cm. Có thể sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy ao.


nguồn: thuysanvietnam.com.vn