Mùa vụ nuôi tôm sú 2010 - 2011 mới bắt đầu không lâu. Một số dự báo lạc quan đã xuất hiện, nhưng kèm theo đó, có không ít điều lo lắng cần được quan tâm.

Sau thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản, nhiều mặt hàng như thủy sản, rau củ quả, may mặc đang có nhu cầu lớn và dự báo tăng mạnh thời gian tới. Đây là thông tin phấn khởi không chỉ cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm mà còn đối với nông dân nuôi tôm. Trong nhiều năm, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu tôm “tiềm năng” của nhiều doanh nghiệp. Tỷ trọng nhập khẩu tôm của thị trường này chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, khi nhu cầu tiêu thụ thủy sản vào thị trường này tăng mạnh, dự báo tác động tích cực đến người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Theo ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, thị trường Nhật “rộng cửa” là dấu hiệu đáng mừng, nhưng không vì thế mà chủ quan. Theo ông Phục, thị trường Nhật rất khó tính; thực tế đã chứng minh, vừa qua, trị trường này tăng cường kiểm soát và đã phát hiện một số hóa chất cấm được sử dụng trong nuôi thủy sản. Năm 2011 và những năm tiếp theo nữa, Nhật vẫn yêu cầu thủy sản nhập khẩu vào thị trường này phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước yêu cầu này, ông Võ Văn Phục đề nghị ở tầm vĩ mô, các cơ quan chức năng cần rà soát kỹ lưỡng một lần những hoạt chất mà các nước nhập khẩu tôm, trong đó có Nhật Bản yêu cầu, công khai rộng rãi để các doanh nghiệp và người nuôi thực hiện. Còn đối với cơ quan chuyên môn của tỉnh, ông Võ Văn Phục kiến nghị tăng cường kiểm tra, xử lý những cơ sở kinh doanh. Đồng tình với ý kiến trên, lãnh đạo một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở phường 2 đề xuất, đành rằng việc kiểm tra, phát hiện hành vi kinh doanh thuốc và các hóa chất cấm sử dụng có khó khăn, nhưng nếu kiên quyết và xử lý mạnh tay, sẽ đẩy lùi “căn bệnh” này. Ngoài xử phạt đúng khung và theo tình tiết tăng nặng, cần công khai trên các phương tiện đại chúng những cơ sở vi phạm, chắc chắn các chủ doanh nghiệp còn tư tưởng kinh doanh gian lận sẽ “dội” ngay. Theo ông Võ Văn Phục, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản ở Nhật dự báo tăng sẽ là cơ hội lớn cho người nuôi, các doanh nghiệp thực hiện đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu năm 2011.

Mừng và lo ở vụ tôm 2011 Lochov10
Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm giá trị vào thị trường Nhật

Đó là chuyện thị trường. Còn việc nuôi, tuy mới khởi đầu, con số thiệt hại cũng đáng để suy nghĩ và quan tâm hơn. Theo đồng chí Võ Văn Bé - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Sóc Trăng, đến ngày 02/4, toàn tỉnh mới thả giống tôm sú được khoảng 13.000 ha, tuy nhiên đã có 1.200 ha bị thiệt hại. Song trên thực tế, con số này còn lớn hơn nhiều. Đành rằng chuyện thiệt hại trong nuôi tôm là chuyện bình thường, nhưng diễn biến bất thường phải được quan tâm và có cơ sở để xác định nguyên nhân. Trong số diện tích bị thiệt hại, tôm “non” mới thả vài ngày cho tới 45 ngày tuổi đều bị chết, một hiện trượng cho từng có xưa nay. Nếu các năm trước, phần lớn diện tích bị “bể” tập trung ở vùng nuôi quảng canh, còn năm nay, không chừa vùng nào, mô hình nào cũng bị “rụi”. Người thiếu vốn và cả những “đại gia” đều có tôm bị chết. Hiện tượng tôm chết của những ao đã thiệt hại cũng khác lạ so những năm trước. Thay vì nổi đầu lủi vào bờ, tôm lại chết nằm xếp lớp dưới đáy ao. Theo một số nhà khoa học, chưa hẳn hoàn toàn do thời tiết, môi trường hay chất lượng con giống. Có ý kiến nghiêng về mầm bệnh, khả năng do bệnh “teo gan” (gan tụy). Mùa vụ trước, khái niệm bệnh “teo gan” cũng được đề cập nhưng việc xác định một cách căn cơ để có giải pháp ngăn chặn, phòng bệnh vẫn còn bỏ ngỏ. Diện tích thả nuôi tôm sú của tỉnh năm 2011 còn đến hơn 34.000 ha. Một khi đã là mầm bệnh, không chỉ có nguy cơ ảnh hưởng trước mắt mà còn đe dọa đến những năm về sau. Ngay lúc này, cần mời các nhà khoa học chuyên ngành tìm hiểu để có giải pháp khuyến cáo kịp thời, hiệu quả cho người nuôi.

Những băn khoăn về tình hình kiểm tra và xử lý các cơ sở mua bán thức ăn - thuốc thú y thủy sản để quản lý hóa chất cấm đã phần nào được giải tỏa khi chúng tôi trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng Quách Văn Nam. Người đứng đầu cơ quan này cho biết sẽ làm mạnh tay, xử lý đến nơi đến chốn những cơ sở vi phạm. Trong nhiều cuộc họp, đồng chí Quách Văn Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra. Những đơn vị, cá nhân làm không hết trách nhiệm và chức trách được giao, sẽ bị kỷ luật. Việc chuyển giao kỹ thuật, thông tin về thời tiết, môi trường cũng được lãnh đạo Sở NN&PTNT chỉ đạo kịp thời. Hy vọng với sự quan tâm này, thị trường xuất khẩu thuận lợi, cộng quyết tâm của người nuôi, nỗ lực của các doanh nghiệp, mùa tôm 2011 sẽ thắng lợi.

thuysanvietnam.com.vn