[You must be registered and logged in to see this image.]Tiêu chảy do E. coli
Để chẩn đoán bệnh tiêu chảy do E. coli, chúng ta phải loại trừ tất cả các nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở heo con mới cai sữa, bao gồm TGE, PEDv, PDCoV, Rotavirus, và Salmonella; và lấy kết quả phân lập dương tính với E. coli từ mẫu quét trực tràng của heo con.
Tiêu chảy do nhiễm khuẩn E. coli là một trong những trường hợp tiêu chảy phổ biến nhất trên heo con mà chúng ta - những nhà chăn đang phải đối mặt. Tôi tiến hành chẩn đoán bệnh bằng cách loại trừ tất cả những nguyên nhân gây tiêu chảy khác ở heo con mới cai sữa, gồm có TGE, PEDv, PDCoV, Rotavirus, và Salmonella; và lấy kết quả phân lập dương tính với E. coli từ mẫu quét trực tràng của heo con. Tôi không lấy kết quả mẫu phân lập E. coli từ môi trường ngoài làm cơ sở cho chẩn đoán của mình.

Giới thiệu
Trong thực tế, tôi thường thấy bệnh tiêu chảy do trực khuẩn xảy ra phổ biến nhất ở heo con còn nhỏ (giai đoạn 3 - 5 tuần tuổi) với biểu hiện tiêu chảy từ phân nhão, lỏng đến tiêu chảy nước. Thông thường, dạng tiêu chảy này xuất hiện với phân màu nâu nhạt và lỏng. Tôi hiếm khi thấy phân có lẫn dịch nhầy hoặc máu trong trường hợp nhiễm E. coli. Trong suốt thời gian bệnh, heo con vẫn hoạt động bình thường nhưng bị sút cân nhanh do tiêu chảy. Heo con thường đáp ứng tốt với liệu trình điều trị bằng kháng sinh pha vào nước uống hoặc trộn thức ăn; tỷ lệ chết khá thấp, và heo con yếu hoặc kém vận động thường cảm nhiễm với bệnh nhất.
Trong một vài trường hợp hiếm gặp, tôi có quan sát thấy sự xuất hiện của Bệnh phù hoặc heo có triệu chứng thần kinh. Đây cũng là những bệnh thường xảy ra ở giai đoạn heo con mới cai sữa (khoảng 1-2 tuần sau khi cai sữa), bệnh có triệu chứng thần kinh ở thể quá cấp và tỷ lệ tử vong cao. Không giống như các bệnh tiêu chảy do trực khuẩn, heo con bị ảnh hưởng bởi bệnh phù nhiều nhất thường là những heo to, khỏe mạnh hơn.
Ở đây chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào tiêu chảy do trực khuẩn, với trường hợp phổ biến nhất là tiêu chảy do E. coli, là bệnh tôi thường gặp nhất trong thực tế chăn nuôi ở vùng Đông Cornbelt nước Mỹ

Phương pháp chẩn đoán
Khi tiếp cận một ca bệnh nghi ngờ tiêu chảy do trực khuẩn. Đầu tiên, tôi sẽ quan sát kỹ môi trường xung quanh, đo nhiệt độ và ẩm độ. Có rất nhiều trường hợp tiêu chảy có thể ngăn chặn được nhờ điều chỉnh lại nhiệt độ và độ thông gió thích hợp. Nếu tôi quan sát thấy triệu chứng phân lỏng, có nước, màu nâu nhạt ở những heo con bình thường, tôi nghi ngờ E. coli chính là tác nhân gây bệnh. Tôi tiến hành thu thập các mẫu chẩn đoán, luôn bao gồm mẫu phân trực tràng từ heo con bị bệnh. Thông thường, tôi sẽ thu thập mẫu ruột non và ruột già từ những thú bệnh thể cấp tính để củng cố cho chẩn đoán của mình. Tôi ưu tiên lấy mẫu quét trực tràng của heo con vì mẫu môi trường có thể bị vấy nhiễm và rất khó giải thích. Tôi cũng luôn tiến hành phân tích đầy đủ các nguyên nhân gây ra tiêu chảy, bao gồm PEDv, TGE, và Rotavirus PCR, cũng như phân lập Salmonella và E. coli. Tôi thực hiện chẩn đoán E. coli bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây bệnh kể trên, nuôi cấy phân lập E. coli và song song cùng với phân tích tổn thương mô bào.

Phương pháp điều trị và kiểm soát
Phương pháp để điều trị và phòng E. coli của tôi có hai hình thức: về heo và về môi trường. Phương pháp phòng và kiểm soát bệnh cho heo bao gồm chủng ngừa vaccine cho heo nái và sử dụng kháng sinh phòng bệnh đúng cách; trong khi phương pháp kiểm soát về môi trường có thể được tóm gọn với hai từ: sạch sẽ và khô ráo.

Với heo
Ở heo, hàng phòng thủ đầu tiên chính là kháng thể mẹ truyền. Tôi khuyến cáo chủng một mũi vaccine phòng E. coli cho nái ở thời điểm 3 tuần trước sinh. Việc chủng ngừa như vậy giúp nái có đủ thời gian sản xuất kháng thể truyền qua sữa đầu cho heo con. Nếu tôi biết được heo con bị nhiễm E. coli ở giai đoạn cai sữa, tôi sẽ cân nhắc tiêm 1 mũi kháng sinh phổ rộng phòng cả E. coli lúc cai sữa, cùng với việc trộn kháng sinh vào khẩu phần thức ăn viên hoặc dạng nghiền ban đầu trong giai đoạn cai sữa. Tôi căn cứ lựa chọn liệu trình điều trị của mình từ những đánh giá chẩn đoán của đồng nghiệp trước đó và thử nghiệm tính nhạy cảm kháng sinh. Cung cấp điện giải trong nước uống ngay sau khi chuyển chuồng cũng sẽ giúp ích cho heo con.


Tôi cũng áp dụng phòng E. coli bằng vaccine uống cho heo con trước và sau khi cai sữa. Theo kinh nghiệm của tôi, việc chủng ngừa này khá hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng lâm sàng của bệnh tiêu chảy do nhiễm trực khuẩn. Sử dụng vaccine kết hợp với vệ sinh môi trường đúng cách trong giai đoạn cai sữa, cũng như theo dõi điều trị cá thể để quan sát kỹ thêm các dấu hiệu lâm sàng mang lại kết quả tốt cho tôi. Nên nhớ rằng, vaccine không bao giờ đạt hiệu quả 100%, nhưng việc sử dụng các loại vaccine phòng E. coli dạng uống cho nhiều hứa hẹn khả quan trong việc làm giảm tình trạng tiêu chảy do nhiễm khuẩn.

Với môi trường
Kiểm soát về môi trường thậm chí còn quan trọng hơn việc phòng E. coli. Heo con phải được sinh ra trong một ổ đẻ sạch sẽ và khô ráo. Ngay từ khi mới sinh, heo con đã có thể nhiễm phải các chủng vi khuẩn E. coli gây bệnh từ những ổ úm bẩn và không vệ sinh. Các chuồng đẻ phải được giữ ấm và khô ráo, và tiểu môi trường trong ổ úm cần có thảm giữ nhiệt hoặc đèn sưởi.
Chuồng cai sữa cũng phải được làm sạch, khử trùng, và để khô trước khi tiến hành cai sữa heo con. Các chuồng nuôi đều được kiểm soát nhiệt độ ở mức 85+ºF (khoảng 30ºC) vì heo con bị lạnh rất dễ bị bệnh viêm ruột tiêu chảy (Colibacillosis). Heo con mới cai sữa không thể tự duy trì nhiệt độ cơ thể của chúng mà không có sự hỗ trợ từ môi trường. Kiểm soát nhiệt độ đóng vai trò lớn hơn trong giai đoạn từ cai sữa đến vỗ béo. Với việc chuẩn bị này, tiểu môi trường trong chuồng nuôi có thảm sạch và nguồn sưởi là việc làm cần thiết để giữ ấm cho heo con. 

Kết luận
Bệnh viêm ruột tiêu chảy do E. coli (Colibacillosis) vẫn đang là vấn đề phổ biến nhất ở heo con mới cai sữa. Có nhiều yếu tố tham gia vào việc quản lý chăm sóc cho heo con giai đoạn này. Hãy nhớ rằng, quy trình phòng bệnh bắt đầu từ trước khi nái sinh và kéo dài qua vài tuần đầu tiên sau khi cai sữa heo con. Có nhiều phương pháp chăm sóc mà bạn có thể lựa chọn, nhưng đối với tôi phương pháp tốt nhất là khâu chuẩn bị môi trường sạch sẽ, khô ráo từ lúc sinh đến giai đoạn đầu thời kỳ cai sữa; thực hiện các bước thích hợp để phòng bệnh bằng thuốc kháng sinh và bổ sung dinh dưỡng.

Tác giả: Alex Hintz
Biên dịch: Ecovet Team