Làm gì khi bị trúng nắng? 121
Thế nào là trúng nắng?

Trúng nắng thường do nắng nóng gây ra, làm rối loạn sự điều hòa thân nhiệt gây tăng nhiệt độ của cơ thể, kèm theo mất nước nặng. Bình thường, cơ thể tự điều hòa nhiệt độ luôn luôn ở mức 370C. Khi nhiệt độ môi trường cao hơn, cơ thể điều hòa bằng cách thoát mồ hôi, nhưng khi ở ngoài trời quá nóng làm cho cơ thể tăng nhiệt (có thể lên tới 40 - 410C), đồng thời độ ẩm không khí cao, mồ hôi không thoát ra được, hơi nóng bị giữ lại trong cơ thể lâu gây ra trúng nắng.

Các biểu hiện của trúng nắng

Các biểu hiện của trúng nắng xuất hiện và phát triển rất nhanh.

- Trước hết là tình trạng chuột rút (co cơ), các cơ bắp co thắt và rất đau, nhất là ở tay chân không duỗi ra được.

- Kèm theo nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn.

- Đồng thời cơ thể nóng ran, nhiệt độ có thể lên tới 41 - 420C.

- Thở nhanh trên 30 lần/phút.

- Mạch nhịp mạnh, nhanh 120 - 140 lần/phút; sau yếu dần.

- Nặng hơn là có biểu hiện choáng váng, nôn ói rồi ngất xỉu hay co giật (khi nhiệt độ tăng cao đột ngột), dễ gây tai biến. Cần chú ý ở trẻ nhỏ và người già.

- Trúng nắng thường kèm theo mất nước với biểu hiện môi khô, da khô và ửng đỏ; nhiều trường hợp có thể thấy da đỏ, phồng rộp da, chạm vào có cảm giác đau rát (cháy nắng gây bỏng độ 1).

Xử trí

Cấp cứu

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát.

- Tháo cởi quần áo, tã lót...

- Ngâm tắm trong nước mát hoặc đắp ủ khăn ẩm lạnh làm hạ nhiệt độ cơ thể.

Xử trí tiếp theo

- Cho uống nước muối đường ấm, tốt nhất là cho uống nước pha gói O.R.S (Oresol) hay uống nước chanh muối, nước khoáng để bù lại nước và chất điện giải mất đi do thoát mồ hôi (lưu ý không nên cho dùng nước đá lạnh vì sẽ làm giảm hấp thu các chất điện giải).

- Trường hợp nặng, sốt cao, gây co giật nhưng còn tỉnh, có thể cho nạn nhân dùng thuốc hạ nhiệt thông thường (paracetamol), đắp khăn mát lên trán. Sau đó chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Tại cơ sở y tế có thể cho nạn nhân truyền dịch natri clorur 0,9%; hay cho dùng an thần nếu có biểu hiện co giật.

- Trường hợp nạn nhân mất nước nặng, có biểu hiện lú lẫn, mê sảng thì đưa ngay đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển phải tiếp tục chườm lạnh và truyền dịch cho nạn nhân.

Phòng tránh trúng nắng

- Tránh tổ chức lao động, sinh hoạt ở nơi quá nóng hoặc ở ngoài trời nắng gắt. Nơi làm việc cần thoáng mát, thông gió. Nếu phải làm việc nơi tiếp xúc với lò lửa, nơi có độ nóng cao, phải có áo quần bảo hộ lao động cách nhiệt.

- Đội nón, mặc quần áo màu sáng khi đi giữa trời nắng gắt mùa hè. Cần chuẩn bị khăn ẩm mát khi đi xa.

- Dự tính trước những tình huống có thể bị trúng nắng như: đi tàu xe, xem đá bóng, tập trung đông người ngột ngạt... để chuẩn bị nước uống, khăn ướt, mũ nón...

- Khi thời tiết nắng nóng, ra nhiều mồ hôi, cần phải uống nước đầy đủ.

- Tránh hoạt động quá sức trong mùa nắng nóng hay ở nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao.

- Khi nhận thấy có dấu hiệu sớm của say nắng như chuột rút, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn thì phải ngưng ngay hoạt động, nghỉ nơi thoáng mát và uống nhiều nước.

Cuối cùng là sự tập luyện, làm quen dần với môi trường để cơ thể thích nghi. Những người ít tiếp xúc với nắng nóng dễ bị trúng nắng ở những nơi hội hè đông người