(Đảng Cộng sản VN, 13/9/2010)
Bãi Bồi nằm ven biển huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từ tháng 6 đến cuối năm xuất hiện rất nhiều nghêu, nhiều đến mức người dân địa phương thường gọi nơi đây là "mỏ nghêu".
Vào mùa nghêu hội tụ như thời điểm hiện tại, cả một "bãi nghêu" dài tới gần 10 km, hàng ngày có hàng ngàn người dân từ khắp nơi đến bắt nghêu, cao điểm có ngày lên tới 3000 người đi bắt nghêu với các loại dụng cụ thô sơ như lưới, rổ, đăng, đó… có người một ngày bắt được gần chục kg nghêu, bán được trên 1 triệu đồng.

Nghêu là thủy sản biển, có hình dáng tương tự như con sò huyết, chúng tập trung dạt bào bờ biển rồi lại tự nhiên biến mất theo quy luật tự nhiên. "Mùa nghêu" như nói ở trên là từ tháng 6 đến cuối năm. Nghêu có chất dinh dưỡng như nhiều loại đặc sản biển, nên khá được giá. Nghêu to 1 kg có giá 150.000đ. Đặc biệt nghêu giống 1 kg lên tới trên 1 triệu đồng. Tuy nhiên, trong vô số nghêu trên bãi nghêu, việc tìm ra được 1 kg nghêu giống không phải dễ dàng.

Nguồn lợi do nghêu mang lại đối với người dân Ngọc Hiển không còn là là chuyện cần bàn. Việc cần ở đây là làm gì và làm như thế nào để khai thác có hiệu quả và bền vững nguồn lợi "trời cho" này. Hiện tại, vào mùa khai thác như hiện nay, tình trạng nhiều người đổ xô nhau săn bắt nghêu trên biển đang đặt ra cho chính quyền địa phương bài toán nan giải. Cho hay cấm? Vì đây là vùng biển quy định không được săn bắt thủy sản. Nếu như cấm sẽ đụng chạm tới chuyện mưu sinh của nhiều người, mặt khác nếu không cho săn bắt, đến hết mùa thì nghêu cũng không còn tồn tại. Bỏ qua cũng thấy tiếc. Nhưng nếu để dân tự do khai thác theo kiểu tự phát như hiện nay thì rất lộn xộn. Tình hình trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, môi trường bị ô nhiêm nặng nề. Bên cạnh đó sẽ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản hàng ngày sinh sôi nảy nở.

Trước tình hình trên, nên chăng cho phép bà con khai thác, nhưng có sự quản lý của chính quyền. Thời điểm nào trong ngày được phép khai thác, vị trí khai thác, dụng cụ khai thác đều phải có quy định và hướng dẫn cụ thể. Như vậy vừa tạo thuận lợi cho bà con có công ăn việc làm, có thu nhập, nhưng vừa có sự quản lý của chính quyền. Có lẽ đây là biện pháp trước mắt để ổn định tình hình, còn về lâu dài cần phải có sự tham gia của các nhà khoa học và nhà quản lý./.

(BNT)