"Đội giá, treo ao", nghịch lý này đang xảy ra đối người nuôi và chế biến cá tra, basa ở ĐBSCL hiện nay. Trong khi giá cá tra nguyên liệu tăng kỷ lục, người nuôi vẫn "thờ ơ". Vậy, nguyên nhân do đâu?

Cá tra “đội giá”
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2011 đạt 835 triệu USD, tăng 54,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa đạt 270 triệu USD. Cũng theo các chuyên gia, năm nay, sản lượng cá tra của nước ta dự kiến chỉ đạt 900.000 tấn, ước tính sẽ thu được khoảng 360.000 tấn fillet, giảm 40% so với năm 2010. Tình hình này dẫn đến thiếu hụt một lượng lớn cá tra nguyên liệu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá cá tra, basa xuất khẩu được cải thiện cộng thêm lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá khiến các doanh nghiệp chi mạnh tay hơn trong việc thu mua nguyên liệu. Mới đầu năm, không phải là thời điểm thu hoạch của cá tra nhưng các doanh nghiệp chế biến đã đồng loạt tổ chức thu mua cá nguyên liệu. Chính điều này đã đẩy giá thu mua tăng cao so với thời điểm trước. Nửa đầu tháng 3/2011, giá cá nguyên liệu tại thị trường nội địa tăng từ 46,6% - 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… giá cá tra nguyên liệu loại 1 mua tại ao đang dao động từ 23.500 - 24.000 đồng/kg. Có nơi, giá cá không cần phân loại cũng đựoc chấp nhận mua với giá lên đến 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đã thu lãi được 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đây là mức giá khiến cho người nuôi có thể gỡ gạc đựoc cho những vụ mùa mất trắng năm trước. Song, nhiều người nuôi vẫn không thật sự mặn mà cho việc đầu tư vụ mùa mới. Do đâu?

Người nuôi bỏ nghề

Mặc dù, giá cá tra nguyên liệu đang tăng cao, nguồn cung cho các nhà máy chế biến đang thiếu hụt. Nhiều nhà máy dừng hoạt động và sa thải công nhân vì không đủ công suất chế biến. Nhưng nhiều người nuôi ở ĐBSCL vẫn đang bỏ nghề, ao nuôi đang trong tình trạng “treo ao”. Tại Tiền Giang có 133,5 ha nuôi cá tra nhưng lại có đến 48,3 ha bỏ trống, chiếm 40%. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Đồng Tháp, diện tích cá tra giảm trên 136 ha so với cùng kỳ… Đây là một nghịch lý khó có có thể lý giải đuợc. Vậy nguyên nhân do đâu?
07/04: Cá tra “đội giá”, ao vẫn “treo” Z300-t11
Nhiều doanh nghiệp cá tra ở Việt Nam phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu
Tình trạng giá thu mua nguyên liệu bất ổn của các nhà máy chế biến trong những năm qua đã đẩy người nuôi cá tra vào tình trạng thua lỗ kéo dài, nhiều người phá sản. Theo cách nói của người nuôi cá tra thì nghề này hiện nay quá mạo hiểm, rủi ro cao, thua lỗ cứ chực chờ vì hầu hết doanh nghiệp chế biến đều “nắm đằng chuôi” trong việc quyết định thu mua cá nguyên liệu của nông dân.
Bên cạnh đó, người nuôi không còn đủ vốn đầu tư sau khi trắng tay từ sự thua lỗ của vụ mùa trước. Ngân hàng không tiếp tục giải ngân nên nông dân không còn vốn tiếp tục sản xuất. Một số ngân hàng Nhà nước tại ĐBSCL cho biết, họ không giải quyết vay đối với những hộ nuôi cá đang còn nợ.
Không chỉ dừng lại ở việc giá thu mua nguyên liệu bấp bênh, thiếu vốn đầu tư. Người nuôi, nếu có vốn đầu tư tiếp cũng còn có tâm lý sợ bị thua lỗ do giá thức ăn và chi phí cho sản xuất ngày càng tăng cao nên không dám mạnh dạn đầu tư. Giả sử nếu nuôi cá đạt trọng lượng 1kg, người nuôi phải tốn ít nhất khoảng 2kg thức ăn cho cá, chưa kể các chi phí thuốc thú y, tiền điện nước, xăng dầu...
Một khó khăn lớn đang diễn ra chính là việc thiếu hụt trầm trọng lượng con giống thả nuôi và chất lượng con giống không đảm bảo. Nguyên nhân thua lỗ đã khiến hàng loạt cơ sở làm giống bị phá sản, nhiều đàn cá bố mẹ dùng sản xuất giống phải bán đổ bán tháo trước đó. Ở Đồng Tháp, giá cá bột mới ương đã tăng khoảng 50%, tức tăng 150 – 200 đồng/con so với tháng trước. Theo Cục Nuôi trồng Thủy sản (Bộ NN&PTNN), trong hơn 4.000 hộ ương cá giống hiện nay, có đến khoảng 3.000 hộ quy mô nhỏ, không đăng ký, hoạt động ương dưỡng cá giống hiện đang bị thả nổi.
Tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đã được kéo dài trong 3 tháng nay và dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian sắp tới. Đã đến lúc thật sự cần các biện pháp “tháo gỡ” cho tình trạng này?

Giải pháp cứu cánh

Ngành công nghiệp cá tra, basa ngày càng khẳng định thế vị thế của mình với kim ngạch đóng góp hàng tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế của đất nước và tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, ngành này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản. Nguyên nhân chính chủ yếu chính là: rào cản thương mại, kỹ thuật từ các nước nhập khẩu đặt ra; giá thức ăn và chi phí sản xuất cho việc nuôi cá liên tục tăng cao; đặc biệt hơn nữa là chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nuớc, nhà khoa học, người nuôi và doanh nghiệp chế biến.
07/04: Cá tra “đội giá”, ao vẫn “treo” Z300-t10
Diễn biến giá cá bán buôn cá tra tại An Giang (đồng/kg)
Do vậy, để nghề nuôi cá tra phát triển bền vững, bên cạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nông dân còn cần hoàn thiện thêm mối liên kết bốn nhà. Doanh nghiệp cần tập trung phát triển thị trường, định ra khả năng tiêu thụ; Nông dân hợp tác sản xuất có định hướng theo hợp đồng; Nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, tiêu chuẩn hóa sản phẩm xuất khẩu, có cơ chế chính sách thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ tín dụng và tổ chức thực hiện liên kết.
Có thể nói, việc triển khai liên kết bốn nhà là giải pháp toàn diện để có thể đưa ngành công nghiệp nuôi và chế biến cá tra, basa xuất khẩu phát triển bền vững trong thời gian tới.
>> Theo Ban chỉ đạo Sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL, 6 tháng đầu năm 2010, diện tích nuôi cá tra toàn vùng khoảng 3.749 ha, giảm 12% so với năm 2009. Tại tỉnh Vĩnh Long có gần 402 ha mặt nước nuôi cá tra, trong đó có 275 đang thả nuôi, gần 104 ha chưa nuôi trở lại và 22,5 ha đã chuyển sang nuôi loài thủy sản khác. Ở Cần Thơ, hiện diện tích thả nuôi đạt 420 ha, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.

Vũ Mưa-thuysanvietnam.com.vn