Yếu tố môi trường có ý nghĩa quan trọng trong nuôi tôm, nhất là khi gặp điều kiện bất lợi. Để giảm bớt rủi ro trong quá trình nuôi tôm, đồng thời giảm giá và thành nâng cao hiệu quả sản xuất, bà con nên lưu ý một số vấn TSVN giới thiệu dưới đây.

Quản lý màu nước:

- Độ trong thích hợp nhất cho tôm nuôi là 30-40cm, ao có độ trong thấp hơn 20cm là ao quá đục, thường ở những ao loại này tảo phát triển rất mạnh, gây thiếu O2 lúc sáng sớm. Các chất hữu cơ này gây ô nhiễm và làm giảm khả năng sinh trưởng, đề kháng bệnh tật của tôm.
- Ao có độ trong cao hơn 40cm do nước nghèo dinh dưỡng, tảo kém phát triển. Khi độ trong quá cao ánh sáng xuyên xuống đáy ao làm giảm khả năng bắt mồi của tôm.
- Nếu độ trong thấp thì nên thay nước và độ trong cao thì nên bón phân thêm cho ao.
- Màu nước giúp tôm ổn định, ăn khoẻ, ánh sáng không chiếu rọi xuống được đáy ao, do đó, tôm ở dưới đáy ao sẽ không sốc, phát triển tốt hơn so với ao có màu nước quá trong. Ở những ao nước quá trong thì tảo đáy (lap - lap) có cơ hội bùng phát gây thiệt hại cho tôm, tôm thường xuyên bơi quanh bờ, tiêu hao năng lượng cho hoạt động sẽ làm cho tôm phát triển chậm.
- Giúp ổn định môi trường nước trong ao.
- Ban ngày nhờ sự quang hợp của tảo sẽ làm tăng hàm lượng O2 trong nước, vì vậy có thể giảm việc mở máy quạt nước.
- Tăng lượng thức ăn tự nhiên, nếu có quá trình chuẩn bị mực nước tốt, lượng động thực vật phù du nhiều làm thức ăn cho tôm ấu trùng, sẽ giúp tôm phát triển nhanh hơn so với ao nước trong, giảm bớt chi phí thức ăn.

Ổn định môi trường nước là một yếu tố quan trọng trong nuôi tôm

Tác hại khi tảo phát triển quá mức:

- Gây thiếu CO2 vào ban đêm dẫn đến tôm nổi đầu vào lúc sáng sớm. Nếu pH trong ngày chênh lệch nhiều (>0,5) có thể làm độ độc Amonia (NH3) tăng thêm.
- Làm nghẽn mang tôm, nhất là các loại tảo thuộc nhóm tảo sợi như: Ocillatoria sp, Nitzshia sp… ảnh hưởng đến sự hô hấp của tôm.
- Khi tảo chết, xác tảo chìm bị tích tụ dưới đáy gây ra tình trạng thiếu O2 (do quá trình phân huỷ chất hữu cơ) sẽ tạo thành nhiều khí độc.

Cách khắc phục:

- Điều chỉnh độ trong của nước ao khoảng 30-40 cm, nếu độ trong thấp, cấn tiến hành thay nước để làm giảm mật độ tảo trong ao nuôi, đồng thời làm hạn chế khí độc, tăng hàm lượng oxy trong nước (nước thay từ ao lắng đã xử lý mầm bệnh, kiểm tra các yếu tố môi trường có phù hợp với ao nuôi).
- Giảm lượng thức ăn trong ao nuôi.
- Dùng hóa chất cắt tảo để diệt bớt tảo trong ao nuôi. Sau mỗi lần dùng thuốc nên sử dụng Dolomite (khi dùng thuốc diệt tảo chỉ sử dụng 1/3 ao nuôi tránh tình trạng cắt tạo đột ngột sẽ làm hàm lượng oxy trong nước giảm ảnh hưởng đến tôm nuôi) .- Sau 2-3 ngày, dùng men vi sinh với liều lượng gấp đôi để phân hủy xác tảo.

Nhiệt độ:

Nhiệt độ của nước thích hợp nhất cho quá trình nuôi tôm là từ 28-320C. Khi nhiệt độ <280C tôm kém ăn, nhiệt độ >320C tôm kém ăn đồng thời màu nước thay đổi. Do đó, khi nhiệt độ tăng hay giảm dưới mức độ thích hợp thì nên giảm từ 30-50% khối lượng thức ăn ở cữ cho ăn đó và tùy theo khả năng bắt mồi của tôm mà tăng thức ăn lại sau khi nhiệt độ nước ổn định trở lại.

Độ mặn (So/oo):

Tôm sú là loài động vật biển chịu đựng được độ mặn tương đối rộng từ 2-350/00, nhưng thích nghi nhất là 15-250/00. Tôm thường bị mềm vỏ do thiếu các khoáng chất trong quá trình tạo vỏ. Khắc phục bằng cách bổ sung cho tôm các loại khoáng chất có chứa trong Magie, Calcium với liều lượng 5-10gr/kg thức ăn. Nếu độ mặn >300/00 thì nuôi tôm chậm lớn. Vì vậy cần lựa chọn mùa vụ hợp lý để tránh sự biến động của độ mặn.

Độ pH:

Độ pH phù hợp với tôm là từ: 7,5 – 8,3 và dao động trong ngày không quá 0,5, sẽ dễ dàng cho việc quản lý chất lượng nước, giúp cho tảo phát triển tốt, tôm nuôi mau lớn, năng suất cao. Ngoài ra, độ pH còn chi phối tính độc hại của khí Amonia (NH3) và khí Hydro-sulfua (H2S) gây ra. Nên đo pH mỗi ngày 2 lần: sáng và chiều để có hướng xử lý kịp thời.
Khi độ pH thấp (thấp hơn 7,5)

Cách khắc phục:

+ Nên thay nước.
+ Bón vôi: CaCO3, Dolomite, Zeolite liều lượng 10-15kg/1.000m2.
+ Khi trời mưa, rải vôi CaCO3 từ 20-30kg/1.000m2 xung quanh bờ ao.
Khi độ pH cao (cao hơn 8,5)

Cách khắc phục:

+ Khi cải tạo ao phải kiểm tra độ pH đất để tránh dùng vôi quá mức cần thiết.
+ Thay nước để làm giảm lượng bùn bã, chất lơ lửng trong ao, sử dụng vôi vừa phải trong qúa trình nuôi và giữ độ kiềm không quá cao.
+ Dùng một số hợp chất có tính acid để giảm để giảm pH.

Cần quan tâm tới yếu tố môi trường để nuôi tôm hiệu quả

Hàm lượng Oxy hoà tan (DO):

Hàm lượng oxy hoà tan trong nước thích hợp nhất cho tôm là khoảng 5-6ppm. Khi hàm lượng oxy hoà tan trong ao thấp sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và làm giảm sức đề kháng của tôm.
Vào ban ngày, do quá trình quang hợp của tảo cung cấp oxy hòa tan trong nước. Lượng oxy cao nhất vào buổi chiều và giảm dần vào ban đêm do quá trình hô hấp của động thực vật sống trong ao. Vì vậy, hàm lượng oxy thiếu khi gần sáng, đặc biệt là với những ao tảo phát triển nhiều và thả tôm với mật độ dày, tôm sẽ thường nổi đầu vào lúc rạng sáng (từ 2-4 giờ sáng). Hàm lượng O2 tốt nhất là không nên dưới 4 ppm. Nếu thiếu oxy trong thời gian quá lâu sẽ là điều kiện cho một số bệnh đỏ thân, đốm trắng bùng phát và làm tôm chậm phát triển. Hàm lượng oxy quá thấp sẽ làm cho tôm nuôi chết đột ngột.

Cách khắc phục

+ Tăng cường máy quạt nước.
+ Thay nước, xi-phon đáy, cân đối khẩu phần thức ăn.
+ Xử lý đáy ao bằng Zeolite liều lượng 50kg/1.000m2. Sau đó, kết hợp với cấy lại vi sinh nền đáy để phân hủy chất cận bã đồng thời ổn định lại môi trường ao nuôi.
+ Quản lý màu nước không để quá sẫm.
+ Dùng oxygen để tăng thêm hàm lượng oxy trong nước.

Độ kiềm:

Độ kiềm thích hợp đối với tôm ở vào khoảng 80-150ppm. Ta nên đo độ kiềm 2 lần/tuần.
Độ kiềm thấp (nhỏ hơn 80 mgCaCO3/L)
Cách khắc phục: Trong suốt quá trình nuôi phải thường xuyên kiểm tra độ kiềm nhất là ở các khu vực mà nước có độ mặn thấp.
+ Giữ độ kiềm ổn định trước khi thả tôm (để có thể gây màu nước ban đầu nuôi tôm, giúp tôm phát triển tốt).
+ Chuẩn bị ao: Sau khi làm vệ sinh phơi đáy ao sử dụng vôi thuộc nhóm Dolomite để ổn định độ kiềm trong ao.
+ Trong quá trình nuôi sử dụng vôi Dolomite với liều lượng 15-20 kg/1.000m2.
+ Sau mỗi cơn mưa, pH thường giảm, thì khi đó độ kiềm cũng giảm theo. Vì vậy, cần phải bón vôi để ổn định độ kiềm. Có thể dùng: Super Alkalite (10kg/10.00m2) nếu vỏ tôm bị mềm nên sử dụng các loại khoáng để bổ sung khoáng tạo vỏ tôm cứng.
Độ kiềm cao (lớn hơn 150mg CaCO3/L)
Tác hại: Làm cho tôm khó lột xác vỏ cứng, chậm lớn.
Cách khắc phục: Thay nước nhiều lần, sử dụng EDTA liều lượng từ 2-3 kg/1000m3.

Khí Amonia(NH3)"

Nguyên nhân: Là do có nhiều xác tảo chết, thức ăn dư thừa và phân tôm… tồn đọng ở đáy ao khi phân huỷ trong điều kiện thiếu Oxy.
Cách khắc phục lượng NH3 tăng:
+ Nên cân đối thức ăn tôm, tránh tình trạng thức ăn dư thừa và tồn đọng trong ao.
+ Máy quạt nước đặt đúng vị trí và đúng qui cách để khi vận hành sẽ gom được bùn tập trung vào giữa ao.
+ Dùng Zeolite, Dolomite… để hấp thu NH3.
+ Nên dùng men vi sinh định kỳ cho ao nuôi (tùy theo mức độ NH3 mà ta quyết định thời gian dùng men vi sinh cho phù hợp).
+ Nếu nguồn nước bên ngoài tốt, nên tiến hành thay để giảm lượng cặn bã và NH3 trong ao.

Hidrogen Sulfide (H2S):

Độ độc của khí H2S tăng khi độ pH giảm xuống, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của tôm, khiến tôm chán ăn và có thể chết.
Cách khắc phục: Nhanh chóng thay nước hoặc dùng Zeolite để giảm bớt khí độc ở đáy ao. Mở máy quạt nước mạnh hơn, cũng có thể dùng một số sản phẩm để tăng cường hàm lượng Oxy hoà tan, giảm thiểu độc tố của H2S.

Ks. Quốc Công-thuysanvietnam.com.vn