Khi được hỏi: "Điều gì các bạn muốn có ở tương lai?", teen tham gia chương trình Teen năng động đưa ra rất nhiều mong muốn.


Nào là thành đạt, giàu có, hạnh phúc...Nhưng khi được hỏi: "Làm sao để có được điều ấy?", không ít bạn tỏ ra bối rối!

Vẽ tương lai DSC05127_resize



"Đường về nhà"

Đường từ trường đến nhà, từ nhà về trường đã quá quen thuộc với teen. Nhưng để vẽ hành trình ấy ra giấy, xem ra các teen cũng lúng túng lắm đây! Bằng chứng là có anh chàng phải quay sang hỏi bạn: "Ới, cái đường từ 3/2 đi thẳng qua Pakson tên gì ha?". Nhưng rồi, ai cũng hoàn thành công việc (còn chính xác hay không thì... đợi coi lại nha). Khi nhìn "thành quả" của mình, qua những câu hỏi gợi mở của thạc sĩ tâm lí học Lê Thị Linh Trang, các bạn khám phá ra rất nhiều điều thú vị:

- Con đường mà các bạn vẽ ra là hành trình ngắn nhất.

- Có nhiều con đường, nhưng các bạn chỉ chọn một, vì đó là con đường "tối ưu" nhất dẫn các bạn đến nơi cần phải đến.

- Nếu không xác định mình đi đâu thì có thể các bạn sẽ rơi vào cảnh...đi vòng vòng.

- Đôi khi vì một điều bất thường nào đó (như kẹt xe, lô cốt...), teen có thể sẽ bị "đẩy đưa" sang con đường khác...

...

Câu chuyện "giao thông trên đường" được cô Linh Trang khéo léo chuyển thành "câu chuyện cuộc đời":Tất cả chúng ta đều đang đi trên một con đường mà điểm xuất phát là hiện tại, còn điểm đến là tương lai. Con đường đó có thể dài hoặc ngắn, phụ thuộc vào chính bản thân các bạn.

Làm sao để tránh đi vòng vòng?

Vẽ tương lai DSC05146_resize

Cũng theo lời cô Linh Trang, thực tế có nhiều teen đang...đi "lòng vòng" hoặc bị "đẩy đưa" trong hành trình đến tương lai của mình. Như câu chuyện của một bạn sinh viên đang học tại 2 trường ĐH Ngân hàng và Y. Bạn đang phải "gồng mình" để học cùng lúc ngành Y (theo ý của mẹ) và tài chính ngân hàng (để trở thành chuyên gia chứng khoán theo "lệnh" của cha). Nhưng cô bạn không hứng thú với ngành nào mà chỉ...khát khao trở thành ca sĩ. Vì thế, tham gia văn nghệ thì bạn rất "sung" còn nhắc đến chuyện học, bạn thường...thở dài ngao ngán. Cũng được cha mẹ gợi ý nghề nghiệp tương lai nhưng Kim Ngân (lớp 12 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) lại có suy nghĩ khác. Ba Ngân làm giám đốc một công ti du lịch và muốn con mình "nối nghiệp". Dưới sự hướng dẫn của cô Linh Trang, Kim Ngân đã tự vạch ra con đường để vươn đến mục tiêu ấy. Ngân xem mục tiêu trở thành giám đốc công ti du lịch là cái gốc của một cái cây. Bắt đầu từ gốc đó, bạn vẽ thêm cành là những việc bạn cần làm để đạt được mục tiêu. Cành đầu tiên là phải tốt nghiệp THPT, tiếp đến là đậu vào đại học, chuyên ngành quản trị du lịch, học ngoại ngữ và những kĩ năng cần thiết khác, tốt nghiệp đại học, được tuyển vào công ti, trở thành nhân viên giỏi, nhân sự cao cấp (trưởng phòng, phó giám đốc...), giám đốc. Kim Ngân dễ dàng vẽ ra "cây cuộc đời" cho mình bởi bạn đã xác định được đâu là mục tiêu chiến lược lâu dài, đâu là mục tiêu trước mắt để thực hiện.





Nếu hoạch định tương lai là một việc gì đó quá "lớn lao" với bạn thì ngay bây giờ, hãy đơn giản nó bằng cách vẽ ra một cái cây cho chính bản thân mình. Cây càng sinh sôi, phát triển thì chứng tỏ bạn đã càng gần mục tiêu của mình nhiều hơn. Bạn làm được mà!





"Tại sao các bạn cần hoạch định tương lai?". Đây là những câu trả lời của các teen được cô Linh Trang khen tấm tắc:

- Bởi đó là cuộc sống của chính mình.

- Giúp có cuộc sống ổn định hơn.

- Chọn con đường đi đúng hoặc ngành, nghề yêu thích.

- Biết được mục tiêu thì mớicó hứng thú làm và làm đến cùng.

- Khi có mục tiêu thì dù có thất bại, cũng sẽ không cảm thấy hối tiếc, không phải đi "vòng vòng".

- Không bị phụ thuộc vào người khác.

- Góp phần ổn định xã hội.

- Góp phần hoàn thiện tương lai cho người khác.
- Tránh được những thất bại không mong muốn.