Lần này nhận được học bổng, nó sẽ dành để mua cho bố cái áo khoác. Bao nhiêu mùa đông rồi bố vẫn chỉ có mỗi một chiếc áo gió sờn cổ ấy.







Phía sau giảng đường Sv


Nó lĩnh học bổng cao nhất khoa, lũ bạn túm áo nó vòi vĩnh:

- Khao đi.

- Khao gì bây giờ?

- Gì cũng được miễn là nhét được vào dạ dày

- Ốc luộc nhé.

- Trời lành lạnh thế này, ăn ốc luộc chấm nước mắm cay thì còn gì bằng.

Lũ bạn hò dô nhau ra cái quán ốc gần trường. Ngày đang co dần trong cái lạnh của một buổi chiều muộn. Trong quán ốc, năm bảy đứa con gái ngồi áp đầu gối vào nhau. Tiếng vỏ ốc lạo xạo, tiếng xuýt xoa vì lạnh, vì cay khiến nó thấy vui vui trong lòng.

Học với nhau gần mòn ghế giảng đường, nó cũng đã lĩnh được mấy quý học bổng nhưng đây là lần đầu tiên nó khao bạn bè cùng lớp nên nó muốn thoải mái một chút dù chỉ cần lẩm nhẩm trong đầu nó cũng kể ra được ti tỉ thứ đang cần nó trang trải.

- Phải công nhận cậu siêu thật đấy. Vừa đi học vừa làm thêm vậy mà điểm vẫn nhất khoa.

- Chả bù cho tớ, tháng nào cũng được lĩnh học bổng Utachi (mẹ chi) chỉ có mỗi việc cày chữ thôi thế mà điểm cứ lẹt đẹt như pháo tép ấy.

Lũ bạn nhìn nó tán dương và thán phục. Nó cười, nụ cười lặng lẽ giống như những nổi niềm trong lòng nó vậy.

Ngày nhận giấy báo nhập học, nó đã giấu biệt không cho bố mẹ biết. Bố mẹ nó chỉ rặt làm nông. 4 năm trời còng lưng nuôi anh nó học Bách Khoa, nay lại thêm nó chắc bố mẹ không kham nổi. Anh nó chỉ còn hai học kỳ nữa là ra trường, nó không muốn anh bị phân tâm vì những khoản tiền nong bố mẹ chu cấp giờ phải san sẻ làm đôi.

Nhưng nó giấu không nổi. Anh nó gọi điện nhờ qua nhà hàng xóm hỏi nó bao giờ nhập học mà người nghe máy lại là mẹ nó nên mọi chuyện nhanh chóng bị bại lộ.

Bữa cơm tối hôm đó, bố mẹ đã thay nhau đả thông tư tưởng cho nó:

- Đằng nào bố mẹ cũng vất vả rồi, cố thêm một chút nữa cũng không sao. Con cứ đi học đi, chứ con gái mà ở nhà làm ruộng rồi vài năm lại con bế con bồng cực lắm.

Sự đắn đo của nó không thắng nổi sự cương quyết của bố mẹ. Ngày nó xốc balô lên thành phố nhập trường, có bố nó đi cùng. Bố nó đi rồi ở lại trên này thuê nhà trọ ở cùng anh trai nó để kiếm việc làm. Mất gần nửa tháng, bố nó mới xin được vào làm ở một cơ sở cắt và lắp đặt gương kính. Công việc nặng nhọc mà tiền công chẳng được là mấy nhưng còn hơn ở nhà bám mấy đường cày. Ở quê, mình mẹ nó nai lưng ra cáng đáng ba bốn mẫu ruộng rồi còn nhận thêm đất của người ta cho làm. Cày bừa, kéo xe vốn là việc dành cho đàn ông nhưng vắng bố, mẹ nó làm tất. Trời lạnh căm căm mẹ nó cũng phải òăn vai gánh mạ ra đồng từ sáng sớm cấy cho kịp mùa vụ.

Nó hiểu sự hy sinh mà bố mẹ dành cho nó và tự nhắc mình phải có nghĩa vụ san sẻ gánh nặng đó. Nó lao vào học, ngoài giờ học, nó đi làm thêm. Vì vậy khi bạn bè khen, nó thấy vui nhưng vẫn chỉ lặng lẽ cười. Nhận học bổng, bạn bè rủ nhau đi mua sắm áo quần, giày dép còn nó gom những đồng tiền nó kiếm được bằng rất nhiều cố gắng vào con lợn nhựa dè xẻn chi tiêu, cuối tháng đỡ đần cho bố và anh đóng tiền nhà trọ.

Chia tay đám bạn cùng lớp, nó mua túi hoa quả về cho các bạn cùng phòng. Nó chưa bao giờ quên việc đó những khi lĩnh tiền dạy thêm hay học bổng. Với nó, bạn bè trong phòng cũng thân thiết như anh em trong gia đình. Phòng nó cũng toàn là những đứa học trò tỉnh lẻ nghèo giống nhau nên dễ đồng cảm. Có khi nó chỉ mua vài cân củ đậu rẻ như cho không về nhưng tất cả đều xúm vào ăn vui vẻ.

Đầu đông đã có một đợt rét đậm. Dự báo năm nay sẽ có nhiều đợt rét như thế, nó lo bố không trụ được. Lần này nhận được học bổng, nó sẽ dành để mua cho bố cái áo khoác. Bao nhiêu mùa đông rồi bố vẫn chỉ có mỗi một chiếc áo gió sờn cổ ấy. Đầu đông đã có một đợt rét đậm. Dự báo năm nay sẽ có nhiều đợt rét như thế, nó lo bố không trụ được.

Vừa bước lên cầu thang ký túc, nó gặp Ngân, đứa bạn cùng phòng hớt hải đi xuống:

- Mày đi đâu mà giờ mới về. Anh Hùng tìm mày đấy. Anh ấy bảo mày về thì gọi điện cho anh ấy ngay.

Thời buổi bây giờ điện thoại rẻ bèo nhưng nó đâu dám dùng. Vài ba chục nghìn một tháng đối với một sinh viên hoàn cảnh như nó cũng phải cân nhắc. Rồi nó quyết định không dùng di động với ý nghĩ:

- Nếu bố và anh cần thì cứ gọi vào máy cố định dưới ký túc xá.

Nhưng những lúc như thế này nó mới thấy không có cái di động cũng bất tiện.

Nó hộc tộc đạp xe đến bệnh viện sau khi anh nó thông báo: Bố nó bị tai nạn trong khi đang lắp cửa kính.

Đến nơi, nó sững sờ nhìn vết thương trên trán bố vừa được cô ý tá băng bó. Khuôn mặt bố hơi tái nhưng nụ cười vẫn hiền như mọi ngày:

- Bố chụp chiếu hết rồi, không bị làm sao hết.

Số tiền học bổng nó lĩnh chiều nay vừa đủ thanh toán tiền viện phí cho bố. Bố được về nhà nhưng bác sĩ dặn phải nghỉ ngơi mấy hôm cho vết thương lành hẳn.

Cùng anh đưa bố về nhà trọ, nó trở lại ký túc xá. Nghĩ đến chiếc áo khoác nó chưa kịp mua cho bố trước khi có đợt rét đậm thứ hai, khoé mắt nó cay cay.

Phía sau giảng đường, những giọt nước mắt lại rơi!!!