Cho
đến nay, “dư âm” của việc
nhiễm Trifluralin trong sản phẩm tôm
của Việt Nam XK sang thị
trường Nhật Bản vẫn còn. Tuy
biết rằng sản phẩm bị nhiễm
Trifluralin có nguyên nhân
từ khâu nuôi và điều
này nằm ngoài tầm kiểm soát
của DN thu mua, chế biến,
XK, nhưng liên tục trong thời
gian qua, ngoài nỗ lực tự
kiểm của các DN XK thủy
sản nhằm hạn chế lô hàng
nhiễm kháng sinh bị cấm, VASEP
đã có nhiều biện pháp thiết
thực để tuyên truyền, phổ biến
tới các đơn vị kinh doanh,
chế biến và người nuôi tôm
về tác hại và việc kiểm
soát sử dụng Trifluralin.






Lật
ngược lại khoảng thời gian gần đây, có thể thấy được các sự việc liên tiếp diễn
ra có liên quan đến vấn đề này.






Ngay
sau khi nhận được cảnh báo một lô tôm của Việt Nam XK sang thị trường Nhật Bản
bị nhiễm Trifluralin vào trung tuần tháng 9/2010, VASEP đã liên tục gửi 2 công
văn báo cáo Bộ NN và PTNT, đồng thời kiến nghị Bộ có biện pháp khẩn cấp nhằm
kiểm soát hoá chất này trong nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, VASEP cũng nhanh
chóng phổ biến thông tin đến các hội viên và yêu cầu DN tăng cường kiểm soát
ngay từ khâu nguyên liệu (cả với tôm sú và tôm chân trắng), không loại trừ khả
năng lây nhiễm từ tôm giống đang lưu thông trên thị trường.






Nửa
cuối tháng 10/2010, có thêm 2 lô tôm XK của Việt Nam bị hệ thống cảnh báo NK
của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phát hiện có chứa dư lượng
Trifluralin cao hơn mức cho phép theo quy định của thị trường này, dẫn đến động
thái Nhật Bản quyết định kiểm tra 100% tôm NK từ Việt Nam kể từ ngày
21/10/2010. Sau đó một ngày, VASEP đã cử đoàn khảo sát thực tế việc kiểm soát
và sử dụng Trifluralin trong nuôi trồng, chế biến và XK tôm tại một số địa
phương thuộc ĐBSCL.






Đầu
tháng 11/2010, Thương vụ Việt Nam
tại Nhật Bản gửi thông báo về quyết định của Nhật Bản tăng cường kiểm tra các
lô hàng tôm NK từ Việt Nam.
Nhận thấy được mức độ nguy hại ngày càng tăng của sự việc, VASEP lại yêu cầu DN
kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu, tăng cường công tác tự kiểm nhằm hạn chế các lô
hàng bị nhiễm, đồng thời các DN triển khai tổ chức tập huấn, tuyên truyền, bồi
dưỡng, đào tạo kỹ thuật cho người nuôi.






Ngày
3/11/2010, hơn một tháng kể từ ngày lô hàng tôm đầu tiên của Việt Nam bị cảnh
báo có chứa Trifluralin ở mức cao, VASEP đã tổ chức cuộc họp bàn giữa các DN XK
tôm Việt Nam và 10 nhà NK Nhật Bản.






Sau
khi Bộ NN và PTNT ban hành Thông tư số 64/2010/TT-BNNPTNT ngày 4/11/2010 về
việc đưa 44 sản phẩm có chứa Trifluralin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải
tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam; Chỉ thị số
3632/CT-BNN-TCTS ngày 5/11/2010 về việc tăng cường kiểm soát hoạt chất
Trifluralin sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản; và Quyết định số
2985/QĐ-BNN-QLCL về việc áp dụng biện pháp kiểm soát dư lượng Trifluralin đối
với các lô hàng tôm nuôi và cá tra, basa XK vào Nhật Bản, VASEP và các DN XK tôm đã chủ động liên hệ với khách
hàng, thông tin để họ nắm rõ tình hình, đồng thời phối hợp với Sở NN và PTNT
các địa phương tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật của Bộ NN và PTNT
đã ban hành nhằm kiểm soát hoá chất bị cấm này đến các cơ sở kinh doanh NK, sản
xuất, lưu thông, buôn bán và sử dụng các chất có chứa Trifluralin.






Nhận
thức tầm quan trọng của khâu trước chế biến, VASEP đã khẩn trương in 2.000
poster cỡ lớn nêu tên 44 sản phẩm có chứa Trifluralin bị cấm sử dụng trong nuôi
trồng thủy sản gửi tới hơn 60 DN, các Sở NN và PTNT các tỉnh trọng điểm để phổ
biến cho bà con nông dân, phối hợp cùng Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) phát
cho các hộ nuôi, đồng thời cũng gửi tới đối tác NK Nhật Bản và một số khách
hàng khác.






Ngày
30/11/2010, tại Sóc Trăng, VASEP đã ký Bản thỏa ước hành động với Hiệp hội Tôm
Mỹ Thanh (MTSA) và cùng với MTSA tổ chức hội nghị giới thiệu mô hình chuỗi các
hoạt động nhằm liên kết bền chặt giữa người nuôi với nhà chế biến. VASEP và
MTSA đã thống nhất phối hợp, hỗ trợ nhau trong tất cả các lĩnh vực hai bên cùng
quan tâm nhằm tạo ra con tôm sạch và nuôi trồng, chế biến đạt hiệu quả. Đồng
thời, hai bên cũng cùng nhau đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới các hội viên
và người nuôi nhằm kiểm soát tốt nhất việc sử dụng Trifluralin trong nuôi trồng,
kinh doanh tôm.






Cùng
với các hoạt động tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp
vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng Trifluralin trong nuôi trồng thủy
sản của các cơ quan quản lý nhà nước, chắc chắn các họat động tuyên truyền, phổ
biến đến các DN chế biến thủy sản về việc kiểm soát dư lượng Trifluralin do
VASEP thực hiện thời gian qua sẽ phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc
hạn chế và dần đi đến xóa bỏ việc sử dụng các hóa chất bị cấm, trong đó có
Trifluralin ở các sản phẩm thủy sản XK.



vasep.com.vn