Hãy trang bị những kỹ năng cần thiết để xây dựng hạnh phúc bền vững Để có thể xây dựng gia đình hạnh phúc, ngoài việc trang bị những kiến thức về hôn nhân gia đình và biết thể hiện những thái độ cần thiết thì mỗi người cần có một số kỹ năng.
Theo các nhà tâm lý học đó là: kỹ năng trong quan hệ giao tiếp giữa hai vợ chồng, kỹ năng giải quyết sự căng thẳng, giận dữ, kỹ năng giải quyết xung đột, mâu thuẫn, kỹ năng hoạch định và quản lý các công việc của bản thân và của gia đình.

Vợ chồng anh Tuấn và chị Hảo luôn bàn bạc và thống nhất với nhau để hoạch định và quản lý những công việc trong gia đình: chọn trường nào cho con theo học, mỗi tháng chi tiêu bao nhiêu và dành dụm bao nhiêu, mua sắm những vật dụng có giá trị lớn, có kế hoạch để chị Hảo đi học thêm tại chức, thu xếp để cả nhà có thời gian cùng nhau giải trí ra sao, định kỳ gửi tiền về lo cho cha mẹ già của cả vợ lẫn chồng... Nhờ sự thống nhất với nhau trong hoạch định và quản lý những công việc của gia đình mà vợ chồng lúc nào cũng hòa thuận, không cãi vã...

Rất có hại nếu mỗi người cứ kéo dài sự căng thẳng, giận dữ của bản thân mà không giải tỏa. Điều này dễ khiến người ta bị ức chế, trầm cảm... Kỹ năng giải quyết sự căng thẳng, giận dữ thật ra không có gì phức tạp: lên tiếng nói rõ với người bạn đời, hít thở sâu ra ngoài đi dạo, đi tắm, thậm chí có thể khóc, dập đầu vào gối hoặc viết ra giấy những gì gây căng thẳng, giận dữ...

Người ta có thể chọn một hoặc nhiều trong những cách đó để giải tỏa sự căng thẳng, giận dữ của bản thân. Nếu bản thân không thể tự giải quyết sự căng thẳng, giận dữ, thì người ta có thể nhờ đến sự trợ giúp của bạn bè, người thân, chuyên viên tham vấn...

Những kỹ năng trong quan hệ giao tiếp giữa hai vợ chồng là những kỹ năng quan trọng và cần thiết. Những kỹ năng này bao gồm: lắng nghe, trao đổi thông tin - đối thoại, chia sẻ những vấn đề riêng tư, nói những câu khẳng định và tích cực...

Lắng nghe người bạn đời nói sẽ giúp người ta biết được chuyện gì đang xảy ra, vấn đề là gì, người bạn đời của mình nghĩ gì, muốn gì... Như vậy sẽ tránh được những hiểu lầm, ngộ nhận.

Không chỉ biết lắng nghe mà vợ chồng còn cần phải đối thoại, trao đổi thông tin. Tuyệt đối tránh cảnh một người nói còn người kia thì im lặng, không lên tiếng cũng không phản ứng... Nếu giữa hai vợ chồng thiếu sự đối thoại và trao đổi thông tin thì mới bật ra được vần đề cần giải quyết.

Chia sẻ những vấn đề riêng tư cũng là một kỹ năng. Vợ chồng phải chia sẻ những vấn đề riêng tư của bản thân ở một mức độ nào đó, nhưng đồng thời cũng phải biết tôn trọng sự riêng tư của người kia, không can thiệp một cách thô bạo vào sự riêng tư của người bạn đời, không bắt ép người bạn đời phải công khai toàn bộ những gì riêng tư, thầm kín...

Vợ chồng phải biết nói với nhau những câu khẳng định và tích cực, nghĩa là phải nói thẳng và nói thật những suy nghĩ, cảm xúc... của mình, đừng bao giờ nói bóng gió, mỉa mai, cạnh khóe, chì chiết... Chồng thường về nhà khuya, chị Thảo nhỏ nhẹ: "Em rất buồn và cô đơn khi anh đi như vậy...". Chồng cũng về khuya như chồng chị Thảo, nhưng chị Lệ lại riết róng: "Anh đi với con nào mà giờ này mới mò về nhà?". Chị Thảo đã biết nói những câu khẳng định và tích cực. Cách nói đó sẽ có tác dụng khiến chồng chị suy nghĩ. Cách nói của chị Lệ chỉ làm chồng chị khó chịu...

Ông Ngô Minh Uy (khoa Tâm lý học - ĐH Văn Hiến) nói: "Những kỹ năng không phải là chìa khóa để giải quyết mọi xung đột trong gia đình, nhưng chúng chính là những phương tiện giúp người ta giải quyết những vấn đề trong gia đình một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn. Cần lưu ý là, nếu chỉ có những kỹ năng thì chưa đủ mà những kỹ năng cần phải đi cùng với những kiến thức về đời sống hôn nhân gia đình (ở các lĩnh vực tâm lý học, giáo dục học, giới tính - tình dục, chăm sóc sức khỏe) và những thái độ sống cần thiết trong gia đình (tôn trọng, thông cảm tha thứ...). Kiến thức, kỹ năng và thái độ là ba yếu tố cần thiết để xây dựng hạnh phúc gia đình".

Theo Phụ Nữ TP.HCM